Phát triển bản thân - Rối Loạn Tâm Lý - Điều Bạn Không Thấy Chưa Chắc Chúng Không Tồn Tại

Chứng rối loạn tâm lý - Bạn không nhìn thấy không có nghĩa là chúng không tồn tại

Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO, có tới 450 triệu người mắc các rối loạn tâm lý khác nhau trên toàn thế giới. Tâm thần phân liệt, trầm cảm, khủng hoảng tinh thần và các rối loạn lạm dụng chất kích thích khác chiếm tới 13% tổng số bệnh dịch trên toàn thế giới, vượt qua cả ung thư và các bệnh về tim mạch. Vào năm 2030, trầm cảm sẽ trở thành gánh nặng lớn thứ hai cho các nước có thu nhập trung bình và lớn thứ ba ở các nước có thu nhập thấp. Tại Mỹ, những người bị các rối loạn tâm lý, tâm thần dạng nặng có tuổi thọ trung bình thấp hơn 25 năm so với những người bình thường. Tại Đan Mạch, con số đó là 18.7 năm. Trong 45 năm qua, tỉ lệ những vụ tự tử tăng tới 60% toàn cầu. Hơn 90% những người tự tử đều có nguyên nhân từ rối loạn tâm thần. Và tự tử cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người trong độ tuổi từ 15-44 tuổi.

Tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm lý chưa được quan tâm xác đáng mặc dù trên thế giới, đã có rất nhiều tổ chức, cộng đồng đứng ra giúp đỡ, tuyên truyền về sức khỏe tâm lý và các rối loạn về tâm lý cho người dân. Nhiều trường hợp bệnh nhân (tuổi từ 18-24) gọi đến các đường dây tư vấn tâm lý ở Việt Nam vì bị trầm cảm, có ý định tự tử, thì đều được hồi đáp rằng đó là vô trách nhiệm, không biết nghĩ cho gia đình, từ đó khiến cho bệnh của họ trầm trọng thêm.

Ngoài ra, các yếu tố như nhận thức, định kiến về bệnh tâm lý của xã hội lên người bệnh còn nặng nề. Trong khi về mặt bản chất, bệnh tâm lý cũng không khác gì những chứng bệnh khác của con người và đều có đặc điểm chung: Không ai muốn vậy, và tất cả đều nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Nếu như bị viêm gan, đau dạ dày háy suy thận là do các bộ phận đó bị “ốm” và cần được chữa trị, thì rối loạn tâm lý cũng vậy – nhất là khi nó đến từ não bộ - một bộ phận rất rất quan trọng trong cơ thể chúng ta.

Điều đáng buồn hơn nữa, gia đình và người thân của những người mắc các bệnh tâm lý thường không có hiểu biết đúng về những bệnh này dẫn đến những gánh nặng và gây đau khổ không đáng có lên người bệnh. Nhiều người bệnh hoặc gia đình người bệnh ở nước ta vẫn còn mê tín dị đoan nên khi mắc bệnh không đi khám hoặc tư vấn kịp thời. Nếu có sự hiểu biết, quan tâm đúng cách, người bệnh có thể khá hơn rất nhiều thậm chí có thể hồi phục hoàn toàn. Chưa kể, bản thân người bệnh cũng không biết mình bị làm sao, bị bệnh gì, chữa trị thế nào. Có những người âm thầm chịu đựng hàng năm trời và chất lượng cuộc sống bị phá hủy nghiêm trọng – tất cả chỉ vì không có đủ thông tin và không có cộng đồng hỗ trợ. Họ quá xấu hổ và sợ hãi để tâm sự cho bất cứ ai vì sợ bị trách móc, định kiến. 

Những câu nói phổ biến như “Tất cả chỉ ở trong đầu mày thôi mà” “Làm màu hả” “Rạch tay rạch chân là bọn điên khùng thích thể hiện chứ bệnh tật gì” “Tự tử là ích kỷ, bất hiếu, ngu ngốc”… đều đến từ sự thiếu hiểu biết và cảm thông từ những người xung quanh. 

Vì vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về các chứng bệnh hay rối loạn tâm lý trước khi coi nhẹ hay đùa cợt về bệnh, để tránh gây những đau khổ không đáng có cho những ai mắc rối loạn tâm lý nhé.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến